Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

iOS 8.0.1 bị lỗi - Tại sao Apple không cho người dùng quay về bản cũ

Tối ngày 24/9, Apple chính thức giới thiêụ bản cập nhật iOS 8.0.1. Bản cập nhật này có dung lượng chỉ hơn 70 MB, chủ yếu sửa các lỗi nhỏ ở phần mềm như HealthKit, Reachability. Tuy nhiên, ngay sau khi được tung lên, nhiều người dùng cho biết các máy iPhone 6 khi cập nhật lên bản mới gặp những lỗi rất nghiêm trọng như mất sóng hay Touch ID…

Ngay sau khi nhận được thông báo này, Apple đã nhanh chóng rút bản cập nhật này khỏi trang chủ. Còn những ai đã trót cập nhật lên iOS 8.0.1 và gặp lỗi có thể quay lại bản iOS 8 bằng cách quay lại bản iOS 8 bằng cách restore qua iTunes. Đến nay, Apple đã đưa ra bản cập nhật iOS 8.0.2 và khắc phục được những lỗi của bản iOS 8.0.1. Đồng thời, bản cập nhật mới này còn mang đến nhiều cải tiến như sửa lỗi phần mềm sức khỏe HealthKit, lỗi với ứng dụng bàn phím từ bên thứ ba cũng như củng cố trình nhắn tin SMS/MMS, In-App Purchase, iCloud hay Safari.

Nhưng một câu hỏi được nhiều người dùng thắc mắc, tại sao Apple không cho phép người dùng hạ cấp mà nhất quyết phải nâng cấp hệ điều hành của máy? Apple không bao giờ làm điều gì mà không có lý do và dưới đây là một trong những yếu tố khiến Táo khuyết đưa ra quyết định như vậy.


Hỗ trợ người dùng tốt hơn

Chắc chắn với bản cập nhật nâng cấp hệ điều hành mới sẽ đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Không chỉ có Apple nâng cấp hệ điều hành của mình mà ngay các smartphone của Windows Phone, Android hàng năm cũng đều cập nhật bản nâng cấp mới cho người dùng. Đây là điều các nhà sản xuất và người dùng đều mong muốn. Chậm cập nhật bản nâng cấp hệ điều hành mới so với các đối thủ cũng sẽ trở thành một điểm yếu cho các hãng điện thoại.

Công nghệ luôn thay đổi và nhu cầu của người dùng cũng không ngừng tăng lên, những nền tảng cũ dù tốt đến đâu vẫn không thể theo kịp xu hướng của thời đại. Và iOS của Apple cũng không nằm ngoài quy luật này.

Nhận thức rõ về vấn đề này nên mỗi năm khi giới thiệu một chiếc iPhone mới, Apple cũng giới thiệu một hệ điều hành mới theo nó.

iOS mới được tối ưu hóa cho thiết bị đồng thời cập nhật thêm những tính năng mới, cơ chế bảo mật và nhất là giao diện đẹp hơn. Việc không cho khách hàng sử dụng phiên bản cũ cũng là cách để Apple gửi tới người dùng thông điệp: Hãy dùng bản cập nhật mới để thấy nó tốt hơn nhiều so với phiên bản cũ”.

Quản lý và phân vùng thiết bị

Nếu người dùng sử dụng nhiều phiên bản hệ điều hành khác nhau sẽ gây rối loạn và khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng cho các nhà sản xuất. Bởi vì, khi người dùng đã cập nhật lên iOS mới, iPhone của bạn sẽ được fix cứng sử dụng hệ điều hành đó. Hay nhìn từ bài học của Android, những phiên bản cũ thời “nguyên thủy” như Froyo, Gingerbread… tồn tại song hành với KitKat cho dù chúng không còn được Google hỗ trợ nữa. Do đó, Apple áp dụng chính sách “một đi không trở lại” với việc nâng cấp hệ điều hành của mình.

Tạo điều kiện để phát triển các ứng dụng

Nếu Android là hệ điều hành trên nền tảng mở để các nhà sản xuất có thể thoải mái phát triển hệ sinh thái của mình thì iOS có cơ chế đóng gói ứng dụng phức tạp hơn. Ngay chính bản thân Táo khuyết cũng khuyến khích các bên thứ ba tham gia phát triển ứng dụng cho hệ điều hành mới thay vì hỗ trợ cho phiên bản cũ.

Về phía các nhà phát triển ứng dụng, họ sẽ dễ dàng tiếp cận phiên bản mới hơn do Apple cung cấp mã nguồn đồng thời sẽ không cần phải quan tâm quá nhiều đến hệ điều hành cũ khi các thiết bị sử dụng hệ điều hành mới đã tràn ngập các đời iPhone.

Việc không cho người dùng hạ cấp cũng là một mẹo kinh doanh của Apple. Khác với Android, Apple có lượng khách hàng trung thành bậc nhất hiện nay. Khi các thiết bị cũ được nâng cấp lên hệ điều hành mới vốn dành cho thiết bị mới, người dùng có tâm lý chán thiết bị cũ hiện tại và sẽ chuyển sang mua các phiên bản mới. Điều này đúng với chiến lược lợi nhuận xoay vòng của Apple.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm trang tổng hợp tin tức về công nghệ điện thoại di động được cập nhật liên tục hàng ngày.